Niềm tin của biển

Vùng duyên hải miền trung được ví như một tấm thảm được dệt bởi các hệ sinh thái và nguồn tài nguyên biển đa dạng. Nhưng nơi đây cũng đang phải đối mặt nhiều vấn đề về tài nguyên và môi trường, nhất là tình trạng cạn kiệt tài nguyên biển. Vừa khai thác, vừa nuôi dưỡng nguồn lợi từ biển, xây dựng chuỗi giá trị gia tăng cho thủy sản, kết hợp với nhiệm vụ an ninh biển đảo, bảo đảm đời sống… đang là nhiệm vụ sống còn với người dân và chính quyền địa phương…

piro

Vùng duyên hải miền trung được ví như một tấm thảm được dệt bởi các hệ sinh thái và nguồn tài nguyên biển đa dạng. Nhưng nơi đây cũng đang phải đối mặt nhiều vấn đề về tài nguyên và môi trường, nhất là tình trạng cạn kiệt tài nguyên biển. Vừa khai thác, vừa nuôi dưỡng nguồn lợi từ biển, xây dựng chuỗi giá trị gia tăng cho thủy sản, kết hợp với nhiệm vụ an ninh biển đảo, bảo đảm đời sống… đang là nhiệm vụ sống còn với người dân và chính quyền địa phương…

Bình Ba nức tiếng tôm hùm…

Bình Ba là một đảo nhỏ, thuộc xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, đi đò chở khách từ cảng Đá Bạc ra mất chừng một giờ rưỡi. Dân gian bảo, đã về Bình Ba mà chưa nhắm món tôm hùm coi như chưa tới Bình Ba. “…Yến sào Hòn Nội/ Vịt lội Ninh Hòa/ Tôm hùm Bình Ba…”(Ca dao).

Tôm hùm biển sinh sống ở vùng nước rất sạch, thịt tôm chắc, ngọt và thơm. Ngày ngày, Bình Ba đón một lượng du khách rất lớn, đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sơ của đảo cũng như thưởng thức đặc sản tôm hùm. Chúng tôi đến thăm anh Nguyễn Ngọc Huy ở thôn Bình Ba, từng trải nhiều thăng trầm trong nghề nuôi tôm hùm. Năm 2005 – 2006, do dịch bệnh, tôm nuôi chết sạch, anh bỗng chốc trắng tay. Chạy vạy vay mượn từ nhiều nguồn, Huy lần hồi làm lại từ đầu và lại có tới 100 ô nuôi. Mùa này, tính sản lượng chừng năm tấn, ước thu nhập khoảng bốn tỷ đồng.

Cũng là câu chuyện của một địa phương khác rất mạnh về nuôi tôm hùm tại vùng Nam Trung Bộ là vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Theo quy hoạch ban đầu, diện tích được phép thả nuôi gần 1.000 héc-ta, mỗi héc-ta chỉ nuôi khoảng 30 lồng. Thế nhưng hiện nay, số lồng bè nuôi cao gấp hai, ba lần so với quy hoạch. Hiện có khoảng 4.000 hộ dân làm nghề nuôi tôm hùm với khoảng 91.300 lồng, trong đó hơn 60% số lồng bè nuôi tự phát. Mật độ nuôi tôm quá dày đã ảnh hưởng xấu môi trường nuôi, gây dịch bệnh. Từ năm 2018, tôm hùm nuôi lồng tại các vùng nuôi trên địa bàn thị xã Sông Cầu đã xảy ra bệnh sữa, chết rải rác. Đỉnh điểm là chỉ trong hai ngày 27 và 28-3-2019, tại vùng nuôi thuộc khu vực Núi Con, thôn Trung Trinh, xã Xuân Phương số lượng tôm chết khoảng 12.960 con, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng…

Trong câu chuyện với chúng tôi, Phó Viện trưởng Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Đào Văn Trí cho biết, Việt Nam vẫn chưa thể tự nhân giống tôm hùm được, nếu ngư dân nhập phải giống trôi nổi thì hậu quả rất khó lường. Hiện nay, Viện đang tiếp tục nghiên cứu dự án nhân giống nhân tạo tôm hùm. Nếu thành công, dự án sẽ là một động lực lớn thúc đẩy phát triển nghề nuôi tôm hùm theo hướng công nghiệp, bền vững. Tuy nhiên, những việc cần làm ngay là phải tiến hành sắp xếp, quy hoạch lại các vùng nuôi trồng, tránh tình trạng bùng phát lộn xộn, ô nhiễm môi trường biển, gây hệ lụy đến chất lượng thủy sản xuất khẩu thì mới là cách tốt nhất để nghề “nuôi biển” phát triển đúng nghĩa…

Từ ngư trường đến thương trường

Tại khu vực miền trung, Bình Định đang dẫn đầu cả nước về số lượng tàu khai thác xa bờ ở Biển Đông với 7.339 tàu cá, riêng tàu cá khai thác xa bờ công suất từ 90 CV trở lên có 2.747 chiếc. Tỉnh Phú Yên cũng có 3.436 tàu thuyền khai thác hải sản có động cơ, trong đó 1.084 tàu có công suất từ 90 CV trở lên. Trong khi đó, theo Chi cục trưởng Thủy sản Khánh Hòa, Nguyễn Trọng Chánh, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 10.000 tàu cá; trong đó có hơn 1.300 tàu khai thác xa bờ, tập trung chủ yếu ở các ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa và nhà giàn DK1.

Đội tàu khai thác hùng hậu là một lợi thế để khai thác nguồn lợi tự nhiên của biển cả, nhưng nói như “Tư lệnh” ngành nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV hồi đầu tháng 11-2019 thì đó cũng là một hạn chế, vì: đội tàu khai thác hiện nay quá đông, sản lượng khai thác quá lớn so với trữ lượng hải sản vì thế phải giảm khai thác, tăng cường “nuôi biển, dưỡng biển” và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành biển bằng việc xây dựng các chuỗi giá trị cho sản phẩm biển.

Trên thực tế, cùng với Bình Định và Phú Yên, Khánh Hòa là một trong ba địa phương được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Từ năm 2014, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện thí điểm mô hình này. Đến nay, đã có các mô hình tổ hợp tác nghề cá và doanh nghiệp (DN) hoạt động có hiệu quả như: chuỗi liên kết giữa Công ty TNHH Tín Thịnh với Tổ hợp tác nghề cá Vĩnh Phước; giữa Công ty TNHH Thịnh Hưng với Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng… Hàng trăm chuyến biển đã thu về tổng sản lượng hàng nghìn tấn và chất lượng bảo quản sản phẩm đạt tiêu chuẩn khoảng 80 đến 95%. Sau thời gian liên kết giữa ngư dân và DN, ngư dân được hướng dẫn về kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm góp phần ổn định giá thủy sản nói chung, cá ngừ nói riêng kèm theo chất lượng sản phẩm được cải thiện rõ rệt. Còn với DN, đây là hành động mang tính bền vững, tạo nên vùng nguyên liệu ổn định đáp ứng nhu cầu sản xuất và xuất khẩu. Đây là hướng đi đúng, trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng kế hoạch để hạn chế các phương tiện đánh bắt có nguy cơ gây cạn kiệt nguồn thủy, hải sản tự nhiên…

Từ Quảng Ngãi vào lập nghiệp, anh Võ Ngọc Tùng, Ngư đội phó Ngư đội Trường Sa Lớn cho biết, gia đình có hai tàu gỗ, vừa rồi hạ thủy thêm tàu vỏ com-pô-dít Trường Sa 05, số hiệu KH-97179 TS được đóng từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Dẫu còn nhiều cái khó, anh Tùng vẫn tin tưởng: “Gắn bó với biển hơn nửa đời người rồi, con cháu cũng sẽ nối nghiệp mình. Nay đã có Nhà nước hỗ trợ tiền đóng tàu lớn, có khó mấy chúng tôi cũng đi biển”.

Đó là niềm tin quý giá của những ngư dân vùng biển miền trung trong bối cảnh nghề cá đang đối mặt nhiều gian khó…

TÂM THỜI, PHONG NGUYÊN
Bạn cũng có thể thích